Gánh nặng từ bệnh suy tim- Chớ nên coi thường

Ông Chu Văn Đ. – 54 tuổi sống tại tỉnh Bắc Giang vẫn còn ám ảnh về cơn suy tim cấp khiến ông tưởng không còn có cơ hội “ở lại” cùng gia đình. Vợ ông cũng chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến chồng trong tình trạng nguy kịch lúc nửa đêm. Ngay sau đó, ông Đ. được gia đình đưa vào BV huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Giang cấp cứu, nhưng tình trạng quá nặng khiến các bác sĩ phải ký giấy chuyển tuyến cho ông ra Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai. “Tự dưng thấy khó thở, tưởng chết ngay lúc ý. Bác sĩ bảo phải ra Hà Nội mới sống được nhưng đi trên xe cấp cứu chỉ sợ không sống nổi để ra đến bệnh viện”- vợ chồng ông Đ. cho biết.

Theo bác sĩ Phương Anh – Khoa C9 – Viện Tim mạch Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai, ông Đ. là một trong những bệnh nhân suy tim rất nặng, là người có tiền sử mắc nhiều bệnh nền. “Bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, vẫn hút thuốc lào, uống rượu… tình trạng rất nặng khi vào viện khó thở, đau ngực chân tay chưa phù nhưng gắng sức thì mệt. XQ tim phổi thì có bóng tim to, siêu âm tim thì buồng tim giãn to, chức năng tim giảm nhiều”- BS Phương Anh chia sẻ.

Hơn 4 năm được chẩn đoán suy tim cùng với nhiều bệnh lý khác nhưng ông Đ. chưa thực sự nhận thức rõ sự nguy hiểm của căn bệnh này. Thời gian qua, ông uống nhiều rượu hơn, thậm chí, còn tự ý bỏ thuốc điều trị. Hơn 1 tuần nằm cấp cứu và điều trị tại bệnh viện, ông Đ. cũng đã thấm thía sự nguy hiểm của suy tim đối với tính mạng của mình, thấm thía sự vất vả của người vợ đã nhiều năm nay phải theo ông đi khắp các bệnh viện điều trị bệnh.

Viện Tim mạch Quốc gia- Bệnh viện Bạch Mai là nơi điều trị của các bệnh nhân mắc bệnh tim nặng

Ở buồng bệnh bên cạnh, ông Chu Văn Vượng cũng đang chăm sóc người vợ 66 tuổi bị suy tim kèm viêm phổi và tăng huyết áp. Dù đã đỡ hơn trước rất nhiều nhưng vợ ông Vượng cũng chưa thể nói chuyện được bình thường, sinh hoạt cá nhân vẫn còn phải phụ thuộc người thân. Con cái ở xa nên mọi việc chăm sóc người bệnh đều do ông Vượng một tay quán xuyến.

“Phục vụ từ A tới Z, nấu ăn cho có chứ chắc khó có thể ngon miệng, cũng nghe tư vấn của BS cách ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp chỉ mong sức khỏe tốt lên để còn vui với cuộc sống chứ bệnh tật khổ, nhiều bệnh nặng nên cũng phức tạp lắm”- ông Vượng nói.

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi mắc suy tim, bệnh nhân nào cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng, còn gia đình người bệnh thì luôn sống trong cảm giác âu lo khi hành trình chữa bệnh của người thân kéo dài và tốn kém.

Suy tim diễn biến thầm lặng, điều trị lâu dài, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế, người bệnh và gia đình. Đây là nhận định của các chuyên gia y tế trong Hội nghị khoa học suy tim toàn quốc lần thứ nhất do Hội Tim mạch học Việt Nam và Phân hội Suy tim Việt Nam tổ chức mới đây. Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, GS-TS-BS Đỗ Doãn Lợi – Phó chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Chủ tịch Phân hội Suy tim Việt Nam cho hay, Hội nghị khoa học suy tim toàn quốc lần thứ nhất có chủ đề “Nối vòng tay lớn chăm sóc suy tim”- một sự kiện lần đầu được tổ chức lại gắn với chủ đề này có một ý nghĩa rất đặc biệt.

“2 năm trước Phân hội Suy tim Việt Nam ra đời và chúng tôi đã tập hợp nhau lại và cùng thực hiện những công việc cần thiết bởi so với trước đây, suy tim đã được nhìn nhận là một vấn đề thời sự rất bức xúc và quan trọng. Nếu một người được chẩn đoán suy tim nặng mà không được điều trị thì trong 10 ngày đầu, tỷ lệ tử vong là 10%. Còn theo thống kê trên thế giới, thậm chí cả khi đã được điều trị với chẩn đoán suy tim thì trong 5 năm đầu, vẫn có khoảng 50% bệnh nhân có thể tử vong. Qua thực tế, để điều trị một bệnh nhân suy tim cần rất nhiều yếu tố cả về y tế, kinh tế, gia đình và cộng đồng. Chính vì thế, thông điệp của hội nghị lần này muốn hướng tới đó là “Nối vòng tay lớn chăm sóc bệnh nhân suy tim”.- GS Đỗ Doãn Lợi nhấn mạnh.

GS-TS-BS Đỗ Doãn Lợi- Phó chủ tịch Hội Tim mạch học VN-Chủ tịch Phân hội Suy tim VN

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, suy tim là một bệnh đang gia tăng gánh nặng đối với y tế, với cộng đồng và xã hội.

“Bệnh nhân nhẹ vẫn có thể tự chăm sóc bản thân nhưng nhiều bệnh nhân nặng cần có sự chăm sóc của gia đình. Và điều này ảnh hưởng tới công việc của người thân và bản thân người bệnh. Gia tăng gánh nặng lên xã hội. Hệ thống y tế cũng phải lo giường bệnh để đáp ứng nhu cầu. Rồi sau điều trị tại bệnh viện còn phải quan tâm đến việc quản lý những bệnh nhân này tại cộng đồng. Phải có cơ chế BHYT tốt để cung ứng đủ thuốc bởi đây là bệnh mạn tính. Suy tim như đỉnh dốc, bệnh sẽ nặng hơn nếu lần sau lại tái phát, sức khỏe người bệnh sẽ xuống dốc dần dần và cuối cùng là tử vong. Vì thế hệ thống chăm sóc phải rất toàn diện”- GS Đỗ Doãn Lợi chia sẻ.

Tuy nhiên, trong cộng đồng không phải người dân nào cũng thực sự nhận thức được sự nguy hiểm của căn bệnh này. Theo GS Đỗ Doãn Lợi, hiện có một tỷ lệ nhất định người dân nhận thức được sự nguy hiểm của suy tim nhưng vẫn còn khá nhiều người chưa nhận thức rõ nên việc điều trị nguyên nhân gây ra suy tim vẫn chưa thực sự triệt để.

“Trong ăn uống người dân cũng chưa thực sự thực hành chuẩn, ăn còn mặn, uống rượu, hút thuốc lá và những yếu tố khác khiến cho bệnh tiến triển nặng. Phân hội Suy tim Việt Nam ngoài hoạt động chuyên môn còn góp phần đưa thông tin đến cho người bệnh, đưa thông tin đến các cơ quan quản lý Nhà nước để phối hợp với ngành y tế điều trị, chăm sóc và dự phòng bệnh suy tim… Lúc này không còn là ý thức của một cá nhân mà còn là ý thức của cả cộng đồng.”- GS Lợi chia sẻ.

Hiện nay, việc điều trị căn bệnh suy tim tại nước ta đã có những bước tiến đáng kể đáp ứng yêu cầu của xã hội. Theo GS Đỗ Doãn Lợi, để đối phó với sự gia tăng của căn bệnh này, chúng ta phải không ngừng học hỏi, cập nhật những kiến thức mới nhất cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn.

“Ngành y tế đã rất cố gắng. Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Hội Tim mạch Châu Âu để tham gia vào một nghiên cứu rất lớn đa quốc gia với sự tham gia của 318 trung tâm suy tim tại 49 nước để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và nâng cao chuyên môn trong điều trị. Việt Nam chúng ta có hơn 40 trung tâm trên cả nước tích cực tham gia vào nghiên cứu này”- GS Lợi cho hay.

Để giảm thiểu gánh nặng từ căn bệnh này, theo chuyên gia, người dân cần quan tâm đến sức khỏe cả thể chất và tinh thần. Đi khám sức khỏe thường xuyên tùy theo hoàn cảnh, lứa tuổi, kịp thời phát hiện những bệnh có nguy cơ gây ra suy tim. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chuẩn để giảm sự ảnh hưởng từ căn bệnh này.

Mời nghe tại đây:

Nguồn: https://vov2.vov.vn/suc-khoe/ganh-nang-tu-benh-suy-tim-cho-nen-coi-thuong-50487.vov2